Visa Hàn Quốc

Visa Hàn Quốc – Hướng dẫn điền đơn đăng ký Visa

by

Nếu như các bạn đang muốn thực hiện một chuyến đi tới Hàn Quốc thì chắc chắn bạn cần phải chuẩn bị kỹ càng để có cho mình một chiếc Visa – điều kiện cần để bạn có thể nhập cảnh vào đất nước của xứ sở kim chi.

Nhiều bạn sẽ thắc mắc, nếu tôi đi Jeju thì có cần Visa hay không. Như các thông báo đã phát thì các bạn đi đảo Jeju không cần có Visa, tuy nhiên hải quan có cho bạn nhập cảnh hay không, khá là hên xui và nhiều trường hợp đã phải quay đầu về nước. Do vậy, để tránh tốn thời gian và tiền bạc, tốt nhất hãy nên có cho mình một chiếc Visa Hàn Quốc nhé!

Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn chi tiết cho các bạn cách khai đơn đăng ký xin visa Hàn Quốc.

Trang web chính thức của trung tâm đăng ký Visa Hàn Quốc (KVAC):

KVAC là một bên trung gian tiếp nhận hồ sơ cho đại sứ quán và lãnh sự quán thôi nha, chứ họ không có thẩm quyền quyết định hồ sơ xin Visa của bạn đậu hay trượt.

Tại cả 2 trang web, các bạn có thể vào mục Thông tin về trung tâm >> Hướng dẫn điền đơn xin cấp Visa để xem hướng dẫn từ phía KVAC. Tuy nhiên, hướng dẫn ở KVAC Hồ Chí Minh sử dụng tiếng Việt không dấu. Các bạn lưu ý, mình sẽ viết tiếng Anh hoặc tiếng Hàn nha. Không viết tiếng Việt không dấu, bên đại sứ quán họ không hiểu đâu.

Nội dung cần khai báo ở đầu Hà Nội hay Hồ Chí Minh thì đều giống nhau nhưng tại Hà Nội form được viết bằng tiếng Hàn và Anh, không có tiếng Việt. Còn tại đầu Hồ Chí Minh, form được viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt nên dễ hiểu hơn với các bạn không rành ngoại ngữ.

Tờ khai đăng ký Visa Hàn Quốc gồm 5 trang. Cùng mình đi lần lượt từng trang nhé!

Video hướng dẫn điền đơn đăng ký xin Visa chi tiết

Trang 1: Thông tin cá nhân và loại visa đăng ký

Trang 1 đơn đăng ký xin Visa
Trang 1 đơn đăng ký xin Visa

Phần 1: Thông tin cá nhân

1.1 Bạn hãy điền họ vào ô Family name, tên đệm và tên vào ô Given names.

Ví dụ: Nếu tên tiếng Việt của bạn là Nguyễn Thị Thanh Vân thì bạn điền chữ in hoa không dấu NGUYEN vào Family name, THI THANH VAN vào Given names nhé.

Sau khi bạn nộp hồ sơ xong, khoảng 1 ngày sau sẽ có tin nhắn thông báo đã tiếp nhận hồ sơ của bạn, tên của bạn trong tin nhắn sẽ là THI THANH VAN NGUYEN – Đừng hoang mang và sợ là người ta ghi nhầm tên mình nha.

1.2 Ô này điền hán tự, người Việt mình thì bỏ qua nha.

1.3 Điền giới tính. Nếu là Nam tích vào ô Male bên trái, nếu là Nữ tích vào ô Female bên phải.

1.4 Phần này bạn sẽ điền ngày tháng năm sinh. Ghi theo định dạng năm – tháng – ngày. Và tất cả các phần ghi ngày bên dưới cũng theo định dạng như vậy. Các tháng hoặc ngày có 1 chữ số, các bạn nên thêm số 0 phía trước.

Ví dụ: Bạn sinh ngày 11/02/2000 thì viết vào đơn sẽ là: 2000/02/11.

1.5 Quốc tịch. Bạn ghi quốc tịch của bản thân.

Ví dụ: Quốc tịch Việt Nam, ta điền Vietnam.

1.6 Tỉnh thành, đất nước bạn sinh ra.

Ví dụ: Ha Noi, Vietnam.

Bạn cũng có thể ghi chi tiết hơn đến cấp huyện, xã.

1.7 Điền số CMTND hoặc CCCD.

Trường hợp bạn bị mất CMT/CCCD cũ, các giấy tờ nộp kèm trong hồ sơ cũng theo số CMT/CCCD đã mất đó, bạn cần thêm 1 giấy giải trình để phía đại sứ quán nắm được. Tránh đánh trượt bạn vì cho rằng thông tin sai lệch, không khớp nhau.

1.8 Bạn đã từng sử dụng tên khác khi nhập cảnh vào Hàn Quốc không?

Nếu không, tích vào ô No

Nếu có, tích vào ô Yes. Sau đó khi thêm Họ vào ô Family name, tên đệm và tên vào ô Given names. Cách viết như ở mục 1.1.

1.9 Bạn có nhiều quốc tịch không?

Nếu bạn có quốc tịch khác với quốc tịch đã khai ở mục 1.5 thì tích vào ô Yes, sau đó điền tên quốc tịch khác đó vào khoảng trống trong ngoặc đơn bên dưới.

Còn nếu bạn không có quốc tịch khác mục 1.5, tích vào ô No và chuyển sang phần 2.

Phần 2: Thông tin visa

Phần 2, bạn cần khai thông tin loại visa mà bạn muốn đăng ký.

Tùy vào mục đích nhập cảnh, thời gian lưu trú, tần suất nhập cảnh mà bạn sẽ có những loại visa khác nhau phù hợp với mình.

Các bạn có thể tra cứu tại đây để tìm loại visa phù hợp: https://www.visa.go.kr/openPage.do?MENU_ID=10101

Tìm kiếm loại visa phù hợp
Tìm kiếm loại visa phù hợp

Ví dụ như trên, mình ở Việt Nam, muốn tìm loại visa du lịch ngắn hạn, dưới 90 ngày. Ấn visa navigator start thì được trả về các loại visa sau: B-1, B-2-1, B-2-2, C-3-1, C-3-2, C-3-4, C-3-6, C-3-9. Bên cạnh từng loại visa này, có mô tả bằng tiếng Anh/tiếng Hàn để bạn hiểu rõ hơn về nó. Bạn cũng có thể nêu các điều kiện, mục đích của bản thân lên các hội nhóm du lịch Hàn để họ tư vấn cho bạn thêm nhé.

Mình thấy phổ biến nhất để đi du lịch, thăm thân là visa C-3-9 (nhập cảnh 1 lần, thời hạn 3 tháng) và visa C-3-1 (nhập cảnh nhiều lần, thời hạn 5 năm). Ngoài ra còn có visa Đại đô thị C-3-91 dành cho các bạn có thường trú tại 3 thành phố lớn Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng từ 01 năm trở lên.

Mỗi loại visa sẽ có yêu cầu về hồ sơ, đối tượng khác nhau. Loại visa mình chọn và đang làm là C-3-1 dành cho đối tượng có thu nhập 1 năm trên 8000 USD. Mình dự tính sẽ đi Hàn nhiều lần nên tự xin loại 5 năm, không qua bên dịch vụ luôn.

Phần For official use only bạn để trống, không điền.

Trang 2: Thông tin hộ chiếu, thông tin liên lạc, tình trạng hôn nhân và học vấn

Trang 2 đơn đăng ký xin Visa
Trang 2 đơn đăng ký xin Visa

Phần 3: Thông tin hộ chiếu

Nếu 1 số nước miễn visa cho người Việt như Thái Lan, Indonesia, Sing-ga-po,… thì hộ chiếu là điều bắt buộc bạn phải có khi đi nước ngoài.

Do đó, trước khi có ý định xin visa đi Hàn, hãy chuẩn bị 1 chiếc hộ chiếu còn hạn ít nhất 6 tháng đã nhé.

3.1 Bạn tích chọn vào ô thể hiện loại hộ chiếu của bạn.

Nếu hộ chiếu của bạn không phải hộ chiếu ngoại giao, công cụ, hộ chiếu thường. Bạn tích vào Other (khác) và điền tên loại hộ chiếu của bạn vào khoảng trống trong ngoặc đơn bên dưới.

3.2 Điền số hộ chiếu: Ghi đầy đủ cả chữ và số trong số hộ chiếu

Ví dụ: P02398971

3.3 Quốc gia cấp hộ chiếu

Ví dụ: Vietnam

3.4 Nơi cấp: tra tên tiếng Anh của nơi cấp hộ chiếu cho bạn (có ngay trong hộ chiếu)

Ví dụ: Hộ chiếu của mình cấp bởi Cục quản lý xuất nhập cảnh thì ghi Immigration Department.

3.5 và 3.6 Ghi ngày cấp và ngày hết hạn.

Các bạn cũng ghi định dạng năm – tháng – ngày.

Ví dụ: Date of issue: 2023/05/31

Date of expiry: 2033/05/31

3.7 Bạn có hộ chiếu nào khác không?

Tích vào No nếu không có, hoặc Yes nếu có. Trường hợp chọn Yes, bạn cung cấp thêm thông tin về hộ chiếu đó: loại hộ chiếu, số hộ chiếu, quốc gia cấp, ngày hết hạn.

Phần này bạn chỉ cần điền hộ chiếu còn hiệu lực, nếu hộ chiếu cũ đã hết hạn thì không cần phải ghi nhé.

Phần 4: Thông tin liên hệ

Tại đây bạn điền các thông tin liên hệ của bản thân và liên hệ khẩn cấp.

4.1 Điền địa chỉ nhà của bạn trong hộ khẩu

Phần này các bạn ghi càng chi tiết, đến số nhà càng tốt.

Ví dụ: số 325 đường Trường Chinh, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

4.2 Bạn điền địa chỉ hiện tại (chỉ điền nếu nó khác với địa chỉ ở mục 4.1)

4.3 Điền số điện thoại của bạn

Bạn có thể ghi như SĐT ở Việt Nam hoặc chuyên nghiệp hơn, có thể thêm mã vùng quốc gia (+84) đằng trước.

4.4 Điền email của bạn

4.5 Điền thông tin liên hệ trong trường hợp khẩn cấp

Bạn có thể điền thông tin của bố, mẹ, vợ, chồng, bạn thân,…

Phần 5: Thông tin tình trạng kết hôn

5.1 Tích vào ô tương ứng với tình trạng hôn nhân của bạn. Lần lượt từ trái qua phải là: Đã kết hôn – Ly hôn – Chưa kết hôn

5.2 Nếu bạn đã kết hôn, bạn cần kê khai thông tin về chồng/vợ của mình.

Nhưng nếu bạn đã ly hôn hoặc độc thân thì bỏ trống mục này nhé.

5.3 Tích No nếu bạn chưa có con, tích Yes nếu bạn đã có con. Nếu chọn Yes, bạn điền thêm số con của mình vào ô Number of children bên cạnh.

Phần 6: Thông tin học vấn

Ở đây bạn sẽ khai báo trình độ học vấn của bản thân để chứng minh cho đại sứ quán thấy rằng bạn là người có học thức, sẽ không trốn bất hợp pháp hay làm hại đến quốc gia của họ. Nếu bạn có bằng đại học, thạc sỹ, tiến sỹ thì khả năng đậu visa sẽ cao hơn.

6.1 Tích chọn ô tương ứng với trình độ học vấn được ghi ở bên trái.

Giả sử bạn học hết cấp 2, bạn tích vào Other. Sau đó ghi rõ là Secondary school bên dưới.

6.2 Tên trường

Tên trường tương ứng với trình độ học vấn cao nhất mà bạn chọn. Nếu bạn là cử nhân đại học, ghi tên trường là trường đại học chứ không phải trường cấp 3, cấp 2,… đâu nhé.

Các trường đại học thường có tên tiếng Anh. Ví dụ đại học Kinh tế Quốc dân là National Economics University thì bạn dùng tên tiếng Anh này.

Còn các trường cấp 2, cấp 3 thường mang tên các anh hùng, tên địa phương, các bạn có thể ghi tiếng Anh không dấu. Ví dụ: Trường THPT Lương Thế Vinh là Luong The Vinh high school.

6.3 Địa chỉ trường

Ghi rõ địa chỉ trường được nêu ở mục 6.2.

Trang 3: Thông tin nghề nghiệp, thông tin chuyến đi

Trang 3 đơn đăng ký xin Visa
Trang 3 đơn đăng ký xin Visa

Phần 7: Thông tin nghề nghiệp

7.1 Công việc hiện tại

Tích hợp vào nghề nghiệp của bạn. Nếu chọn Other (khác), bạn ghi rõ công việc khác đó là gì vào khoảng trống bên dưới.

7.2 Thông tin chi tiết về nghề nghiệp

a) Điền tên trường học/công ty/cơ quan

Nếu bạn là học sinh, điền tên trường. Nếu bạn là người đi làm, điền tên công ty/cơ quan.

Một điều lưu ý là ở Việt Nam, công ty TNHH là company limited chứ không phải limited company.

b) Điền chức vụ của bạn

c) Điền địa chỉ trường học/công ty/cơ quan

d) Điền số điện thoại của công ty hoặc số điện thoại của người đại diện theo pháp luật.

Phần 8: Thông tin về chuyến đi

Tại đây bạn khai báo các thông tin liên quan đến chuyến đi của mình để đại sứ quán thấy có hợp lý, mục đích rõ ràng hay không. Đây là phần rất nhiều người trượt với lí do giải thích mục đích chuyến đi không rõ ràng. Nhưng ở tờ khai lại chỉ tích chọn mục đích chuyến đi. Vì vậy, mình khuyến mọi người nên có thêm tâm thư hoặc thư giải trình để giải thích chi tiết hơn mục đích chuyến đi của bạn.

8.1 Tích chọn ô tương ứng với mục đích chuyến đi. Nếu chọn Other, điền chi tiết vào khoảng trống trong ngoặc bên dưới.

8.2 Thời gian dự kiến bạn sẽ ở: Nên ghi cụ thể là bao nhiêu ngày chứ không nên ghi 1 week, 2 weeks.

8.3 Thời gian nhập cảnh dự kiến

Bạn cũng ghi định dạng năm – tháng – ngày.

Nếu tâm thư bạn có nếu muốn sang Hàn ngắm lá mùa thu, đừng ghi thời gian nhập cảnh là mùa hè hay mùa đông nhé.

8.4 Địa chỉ khách sạn tại Hàn Quốc mà bạn sẽ ở

Phần này bắt buộc phải ghi cho dù bạn chưa booking khách sạn hay chưa có tìm hiểu để lựa chọn. Hãy chọn một khách sạn với giá phù hợp với bản thân tại thành phố mà bạn muốn thăm (tìm trên app như Agoda).

8.5 Điện thoại liên lạc tại Hàn Quốc

Bạn có thể điền số điện thoại của khách sạn mà bạn điền ở mục 8.4.

8.6 Bạn đã từng đến Hàn Quốc trong vòng 5 năm qua hay không?

Chọn No nếu không, Yes nếu đã từng và ghi chi tiết mục đích nhập cảnh và khoảng thời gian lưu trú của tất cả các chuyến đi trong vòng 5 năm đó.

8.7 Bạn đã từng đi quốc gia nào trong vòng 5 năm qua ngoài Hàn Quốc

Bạn tích chọn vào nội dung No hoặc Yes. Nếu Yes (đã từng) thì cung cấp chi tiết chuyến đi.

Mình từng đi Hà Khẩu, Trung Quốc không Visa nên vẫn ghi đầy đủ và nêu rõ trong purpose of visit là Visa-free tourism để tránh trường hợp đại sứ quán thấy mình đi nước ngoài mà hộ chiếu trắng trơn.

Nhiều người bảo mình “viết vào chả ý nghĩa gì” nhưng không nha. Các bạn cứ ghi thật, đầy đủ nhé.

8.8 Bạn có người nhà nào đang ở Hàn Quốc không

Bạn tích chọn nội dung No (không) hoặc Yes (có), ghi thông tin chi tiết nếu có người nhà đang ở Hàn Quốc.

Người nhà là bố, mẹ, vợ/chồng, con cái, anh chị em ruột.

8.9 Bạn sẽ đi cùng người nhà đến Hàn Quốc không?

Khai và điền chi tiết nếu có.

Trang 4: Thông tin lời mời, chi phí cho chuyến đi

Trang 4 đơn đăng ký xin Visa
Trang 4 đơn đăng ký xin Visa

Phần 9: Thông tin tổ chức mời

Bạn không có ai mời cả: tích vào ô No và để trống các đầu mục từ a) đến e) bên dưới.

Nếu có người mời bạn: tích ô Yes và điền chi tiết thông tin của tổ chức đó nhé.

Phần 10: Kinh phí của chuyến đi

Chỗ này, bạn xem kỹ lại phần 8 về thông tin chuyến đi. Cân đối chi phí với số ngày du lịch.

Phần này các bạn tính toán và ghi thật thôi.

Ví dụ: Mình đi 7 ngày thì ghi chi phí là 950USD.

Sau đó bạn ghi thông tin về người chi trả: là bạn, vợ/chồng, bố mẹ,…

Ví dụ:

Nếu là bản thân thì ghi tên mình vào mục a), ghi Myself vào mục b)

Nội dung chi trả: All financial costs

Số điện thoại: ghi số điện thoại của người chi trả.

Phần 11: Có ai giúp điền đơn không?

Bạn tích vào No nếu tự điền. Tích vào Yes nếu có người khai hộ và ghi chi tiết tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, mối quan hệ với bạn.

Như vậy là phía Đại sứ quán/lãnh sự quán cho phép người khác điền đơn giúp bạn, bạn không cần quá lo lắng nếu như sợ ghi sai hay không biết tiếng Anh/Hàn nhé.

Trang 5: Xác nhận và ký tên

Trang 5 đơn đăng ký xin Visa
Trang 5 đơn đăng ký xin Visa

Phần cuối bạn ghi năm/ngày/tháng viết đơn rồi ký ghi rõ họ tên. Nếu bạn đánh máy đơn đăng ký thì in ra rồi ký nhé.

Tổng hợp lại một số lưu ý:

  • Đơn đánh máy hoặc viết bằng mực đen
  • Tất cả viết bằng tiếng Anh hoặc Hàn
  • Ngày tháng năm đều viết định dạng là năm – tháng – ngày
  • Hãy khai thật trung thực, logic để tăng khả năng đậu

Chúc các bạn xin Visa Hàn Quốc thành công. Bài viết tiếp theo mình sẽ hướng dẫn chuẩn bị các giấy tờ khác nha!

Một bình luận cho “Visa Hàn Quốc – Hướng dẫn điền đơn đăng ký Visa”

  1. Visa Hàn Quốc 5 năm tự túc – Hộ chiếu trắng tự xin vẫn đậu – Du lịch cùng Mây

    […] Chi tiết hướng dẫn cách điền đơn Visa, các bạn có thể xem bài viết khác của mình tại đây. […]

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *